ĂN CHAY LÀ GÌ
Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017
TÂM ĐỨC VÔ ƯU
ĂN CHAY LÀ GÌ
Ăn chay hay còn gọi là trai giới, ăn lạt là một chế
độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau quả,
vv..), có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, hoàn toàn
không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản) hoặc kiêng ăn
các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ.
Việc ăn chay có thể do nhiều lý do khác nhau: lý do
đạo đức, y tế, tôn giáo, chính trị, môi trường, văn hóa, thẩm mỹ, kinh tế. Ở Ấn
Độ ước tính khoảng 40% dân số là những người ăn chay.
Trong Luật tạng của Phật giáo quy định các tăng lữ
phải ăn không quá giờ ngọ. Hằng tháng vào những ngày trăng rằm và đầu tháng
(mùng 1 và 15 âm lịch) gọi là ngày Bố-tát (tiếng Phạn gọi là Uposatha hay
Upavasatha), là ngày định kỳ để thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp để
tu hành. Về sau được các nhà Phật học Đại thừa Trung Quốc dịch là ngày trai giới
(zh:齋) và Việt Nam dịch là
ăn chay từ chữ trai đó
Các bằng chứng xưa nhất về việc ăn chay là ở Ấn Độ cổ
đại và Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ thứ 6 TCN.Đối với khu vực châu Á, chế độ ăn
chay có liên quan chặt chẽ với ý tưởng về việc không giết mổ động vật (ở Ấn Độ
gọi là ahimsa) và được phát triển bởi các nhóm tôn giáo và triết học, còn đối với
người Hy Lạp, người Ai Cập và những vùng khác thì việc ăn chay là nhằm mục đích
thanh lọc y tế hoặc hình thức nghi lễ.
Một món ăn chay ở Ấn Độ bởi vì đa số dân Ấn Độ theo Ấn
Độ giáo và khuyến khích chế độ ăn chay.
Ở thời kỳ hậu cổ đại với Kitô giáo của đế quốc La
Mã, ăn chay thực tế đã biến mất khỏi châu Âu cũng như các châu lục khác, ngoại
trừ Ấn Độ. Trong thời kỳ đầu của Kitô giáo, thời các tông đồ, có lo ngại rằng
ăn thịt có thể dẫn đến một sự không trong sạch khi tiến hành các nghi lễ. Sứ đồ
Phao-lô mạnh mẽ chống lại quan điểm này (Thư gửi tín hữu Rôma 14,2 đến 21; Thư
gửi tín hữu Korinther 8,8–9).
Trong các nhà thờ Công giáo thời Trung cổ, nhiều tu
sĩ và ẩn sĩ trong các bối cảnh tu khổ hạnh từ bỏ việc tiêu thụ thịt. Trong số
đó có Thánh Jerome († 420) . Các tu sĩ dòng Biển Đức cho phép tu sĩ dòng của họ
ăn thịt của động vật bốn chân chỉ trong trường hợp bị bệnh, tuy nhiên họ được
phép tiêu thụ cá và gia cầm (động vật 2 chân). Nhiều quy định khác của các dòng
tu khác có điều khoản tương tự như lệnh cấm thịt và rộng dần ra, cấm thêm một số
loài chim, gia cầm, nhưng không cấm dùng "cá" (tiếng Anh:fish). (định
nghĩa vào thời trung cổ của từ "cá" (fish) là bao gồm cả các động vật
như hải cẩu, cá heo, cá heo chuột (porpoise), ngỗng đeo kính (barnacle geese),
chim hải âu rụt cổ (puffin), và hải ly). Các tu sĩ và nữ tu các dòng tu khổ hạnh
tự nguyện sống thiếu thốn, khiêm tốn và hủy diệt những ham muốn, họ quan niệm
ăn chay là rèn luyện cho bản thân cách chống lại những ham muốn xác thịt và tỏ
lòng sám hối tội lỗi đối với Thiên Chúa Tuy nhiên không có bằng chứng rằng
trong thời Trung cổ thi những việc ăn chay, ăn kiêng này được áp dụng cho tất cả
các tín đồ Ki-tô giáo. Thánh Phanxicô thành Assisi đôi khi bị cho là người ăn
chay vì ông thường bao gồm cả các loài động vật trong thế giới tôn giáo của
mình, nhưng ông đã không thực sự ăn chay và cũng không thuyết giảng về điều
này.
Chỉ trong những năm đầu thời kỳ cận đại, một vài
nhân vật nổi tiếng Kitô giáo mới xác định việc ăn chay trên cơ sở đạo đức,
trong số đó có Leonardo da Vinci (1452–1519)[19] và Pierre Gassendi
(1592–1655).[20] Nhà thần học hàng đầu cổ xúy việc ăn chay trong Thế kỷ 17 là
Thomas Tryon (1634-1703), người Anh [21]. Mặt khác, đại diện cho các triết gia
Kitô giáo có ảnh hưởng như René Descartes[22] và Immanuel Kant[23] cho rằng có
thể không có nghĩa vụ đạo đức để phải kiêng thịt.
Ăn chay lại nổi lên trong thời kỳ Phục hưng[24] và
ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi trong thế kỷ 19 và 20. Ở Châu Âu, thuật ngữ
vegeterian lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1839[25] và sự xuất hiện của
Society Vegeteran (tiếng Việt: Hiệp hội ăn chay thuần) ở Anh vào năm 1847[26],
tiếp sau đó là ở Đức, Hà Lan và các nước khác. Trước đó, chủ yếu người ta dùng
các từ để chỉ chế độ ăn thực vật (vegetable regimen, vegetable system of diet),
hiếm hơn là dùng từ chế độ ăn uống Pythagore.
- Ăn chay theo Phật giáo đại thừa: là không ăn tất cả
các sản phẩm từ động vật cũng như một số loại rau trong chi Hành (có mùi thơm đặc
trưng của hành và tỏi), có thể tương ứng với các loại cây hành, hẹ, tỏi, nén và
kiệu gọi chung là ngũ tân.
-Ăn chay có trứng (ovo; tiếng Latin nghĩa là trứng):
có thể ăn trứng nhưng không ăn các sản phẩm từ sữa.
-Ăn chay có sữa (lacto; tiếng Latin: lactis nghĩa là
sữa): có thể ăn các sản phẩm từ sữa, nhưng không ăn trứng.
-Ăn chay có cả sữa và trứng (ovo-lacto): có thể ăn một
số sản phẩm từ động vật hoặc từ sữa như trứng, sữa và mật ong.
-Ăn chay hoàn toàn không sử dụng bất cứ thứ gì từ động
vật (thuần chay) (vegan): không dùng tất cả các loại thịt động vật và sản phẩm
từ động vật, bao gồm cả sữa, mật ong, và trứng, và cũng có thể loại trừ bất kỳ
sản phẩm nào được thử nghiệm trên động vật, hoặc sử dụng các trang phục có nguồn
gốc từ động vật.
-Ăn chay sống hay là ăn chay tươi (Raw foodism): chỉ
ăn các loại trái cây tươi và chưa nấu chín, các loại hạt và rau củ. Rau củ có
thể chỉ được nấu chín lên đến một nhiệt độ nhất định.
-Ăn chay theo Kì na giáo: có bao gồm sữa, nhưng không
ăn trứng, mật ong, và các loại củ hay rễ cây.
-Ăn chay theo kiểu chỉ cho phép ăn các loại trái cây,
các loại hạt, hạt giống, và thực vật khác nếu việc thu hoạch những thực phẩm
này không gây hại đến cây trồng.
-Ăn chay theo chế độ thực dưỡng: chủ yếu ăn các loại
ngũ cốc nguyên cám và đậu hoặc theo phương pháp dưỡng sinh của Ohsawa (chế độ
ăn gạo lức muối mè).
Nhiều lý do khác nhau để ăn chay tùy thuộc vào sắc tộc
và văn hóa. Những người ăn chay vì vấn đề đạo đức vì không muốn gây khổ đau cho
động vật, hoặc đấu tranh vì quyền động vật. Ngoài ra, vấn đề sức khỏe cũng là một
động lực để ăn chay, một số người còn cảm thấy ác cảm với mùi vị của thịt. Cũng
có một số tổ chức ăn chay để bảo vệ hệ sinh thái vì họ tin rằng sản xuất chăn
nuôi trong các trại gây hại cho môi trường. Họ cũng cho rằng giảm lượng tiêu thụ
thịt sẽ cải thiện đáng kể tình hình lương thực toàn cầu. Trong điều luật của một số tôn giáo yêu cầu tín đồ
phải ăn chay.
Nhiều lý do khác nhau về đạo đức đã được đề xuất cho
việc lựa chọn ăn chay, thường được xác định trên quyền lợi của những động vật
không phải là con người.
Trong nhiều xã hội đã
phát sinh các cuộc tranh cãi và tranh luận về những vấn đề đạo đức của việc ăn
thịt động vật. Một số người không ăn chay nhưng vẫn từ chối ăn thịt một số động
vật nhất định chẳng hạn như mèo, chó, ngựa, hoặc thỏ do những điều cấm kỵ trong
văn hóa. Một số người khác ủng hộ việc ăn thịt vì những lý do về khoa học, dinh
dưỡng và văn hóa, kể cả tôn giáo. Một số người kiêng ăn thịt của động vật được
nuôi theo phương thức nhất định nào đó, chẳng hạn như nuôi trong các xí nghiệp
chăn nuôi (factory farm), hoặc tránh vài loại thịt nhất định, như thịt bê hoặc
gan ngỗng. Một số người theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay không phải vì những
mối quan tâm về vấn đề đạo đức liên quan đến việc chăn nuôi hay tiêu thụ động vật
nói chung, mà là vì lo ngại về việc thực hiện những phương pháp xử lý đặc biệt
có liên quan đến chăn nuôi và giết mổ động vật, như xí nghiệp chăn nuôi (áp dụng
chế độ chăn nuôi công nghiệp) và ngành công nghiệp giết mổ động vật.
Những phản đối về mặt đạo đức thường được chia thành
2 dạng: chống lại hành động giết mổ nói chung, và chống lại một số hình thức
chăn nuôi nhất định xung quanh việc sản xuất thịt.
Peter Singer là giáo sư của đại học Princeton và là
người sáng lập của phong trào phóng thích động vật, ông tin rằng nếu tồn tại
nhiều phương thức khác nhau để duy trì sự sống, thì người ta phải lựa chọn các
cách thức mà không gây ra những thiệt hại không cần thiết cho các động vật. Hầu
hết những người ăn chay vì lý do đạo đức cho rằng giết chết con vật để ăn cũng
giống như giết người mà ăn vậy. Singer, trong cuốn sách Sự giải phóng động vật
(Animal Liberation) năm 1975 đã nêu lên những đặc điểm về tri giác của những
sinh vật không phải người, suy xét chúng dưới góc nhìn đạo đức vị lợi, điều này
đã được những nhà vận động cho quyền lợi động vật và những người ăn chay dùng
làm tham khảo rộng rãi. Những người ăn chay vì đạo đức cũng tin rằng việc
giết một con vật cũng như giết một con người, vì theo nguyên lý bình đẳng của
Singer đối với các động vật không phải người, thì những con vật cũng giống như
những người không cùng màu da, sắc tộc, giới tính hay tôn giáo. Do đó, việc
giết hại này chỉ có thể được biện minh nếu trong những hoàn cảnh vô cùng khắt
khe, còn việc giết một vật thể sống vì mùi vị thơm ngon, sự tiện lợi hay giá trị
dinh dưỡng của nó đều không phải là nguyên nhân chính đáng. Một quan điểm phổ
biến khác cho rằng con người có thể ý thức được về hành vi của mình theo một
cách khác với động vật, vì vậy con người không thể hành xử như con vật được.
Những người đối lập với trường phái ăn chay vì đạo đức
lập luận rằng động vật không ngang hàng với con người, vì thế so sánh việc ăn
thịt động vật với giết người là một hành động khập khiễng. Lý luận này không
bào chữa cho hành vi tàn ác, nhưng nó cho rằng động vật không ngang hàng với
loài người, và không sở hữu những quyền cơ bản giống như con người.
Ăn chay có truyền thống lâu đời tại Ấn Độ. Kì Na
giáo và một số giáo phái chính của Ấn Độ giáo xem ăn chay như là một hành vi đạo
đức. Đối với các tôn giáo này thì ăn chay chủ yếu dựa trên các luật về không
hành hạ, không gây thương tích hay giết chết các loài vật. Phật giáo nhìn
chung không cấm ăn thịt tuy nhiên chỉ được ăn những thứ thịt thỏa mãn điều kiện
tam tịnh nhục, Phật giáo đại thừa khuyến khích ăn chay để mang lại lợi ích cho
sự phát triển của lòng từ bi. Những tôn giáo khác ủng hộ một chế độ ăn chay bao
gồm Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật, phong trào Rastafari, phong trào Ananda Marga
và ý thức Krishna (Krishnas Hare). Tích-khắc giáokhông đánh đồng tâm linh với
chế độ ăn uống và không chỉ định một chế độ ăn chay hoặc thịt
Món "Phật Quang" một món ăn truyền thống của
Phật giáo Trung Hoa.
Tuy Phật giáo nguyên thủy không kiêng thịt nhưng Phật
giáo cấm sát sinh và tránh mọi khổ đau cho chúng sinh, cho nên trên căn bản Phật
giáo khuyến khích việc ăn chay nhưng cũng không cấm ăn mặn. Phật giáo nguyên thủy
(Thượng tọa bộ) thường không ăn chay.Tuy nhiên, những người xuất gia (tì kheo)
nếu nghe tiếng con vật bị giết, thấy con vật bị giết hoặc nghi con vật đó bị giết
để thết đãi mình thì không được ăn, nếu ăn thì sẽ phạm vào giới luật. Ngoài ra
đức Phật cũng cấm không được ăn 10 loại thịt: thịt người, voi, ngựa, chó, rắn,
sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu.
Mỗi tông phái của Phật giáo Đại thừa lựa chọn những
kinh điển khác nhau để làm theo, cho nên một số tông phái, bao gồm cả phần lớn
các tông phái của Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo Nhật Bản đều ăn thịt, trong
khi nhiều tông phái khác của Phật giáo Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc thực hành
ăn chay.
Ở Việt Nam, do sự du nhập của Phật giáo Đại thừa từ
Trung Quốc vào rất sớm cho nên ăn chay đã có từ thời trước Công nguyên và thịnh
hành từ đời nhà Lý, nhà Trần vì Phật giáo phát triển vào những thời này.
Minh họa cho sự tồn tại của thế giới. Thiên Chúa ngự
trị trên cùng, phía dưới có các cấp bậc khác nhau, trong đó có con người, và cả
các loài thực vật, các loài động vật không phải người.
Những tín đồ Kitô giáo mà ủng hộ việc ăn chay thì
cho rằng ăn chay là ý của Thiên Chúa, họ dựa trên những tranh luận về nội dung
trong Kinh thánh, như trong Sách Isaia 11:6-9 cho thấy một cuộc sống hòa bình
giữa người và loài vật, hay trong Sáng thế ký 1:29, Thiên Chúa nói với Adam,
Eva và loài người rằng cây cỏ, trái và hạt như là lương thực dành cho con người
và mọi sinh vật có sinh khí. Nhưng người 14 tuổi hay lớn tuổi phải ăn chay và
kiêng thịt vào ngày ấn định, và người 13 tuổi hay nhỏ hơn không cần ăn chay hay
kiêng thịt, có thể ăn thịt vào ngày ấn định. Tuy nhiên, trong Sáng thế ký
9:2-3, trước khi làm Đại hồng thủy thì Chúa Trời có dặn ông Nô-ê rằng mọi loài
vật di chuyển được và có sinh khí lẫn cây cỏ đều là lương thực. Thánh Giêrônimô
kết luận rằng chế độ ăn thịt chỉ xuất hiện từ khi có đại hồng thủy, và do đó nó
được coi thấp kém hơn ăn chay. Từ Nô-ê trở về sau thì trong kinh Cựu Ước không
còn đề cập đến bất cứ điều luật nào chống lại việc ăn thịt cả.
Trong Tân Ước không cấm các loại thực phẩm nhất định
nào ngoài việc cấm ăn máu (Sách Công vụ Tông đồ, 15:28-29). Trong Phúc âm
Matthew 15:11, Đức Jesus nói: "Không phải cái vào miệng làm cho con người
ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế"
(tương tự như trong Phúc âm Mark, 7:15). Điều này thường được giải thích trong
Kitô giáo như là từ bỏ tất cả các luật định về chế độ ăn uống. Tuy nhiên, trong
các nhà thờ thời Trung cổ, nhiều tu sĩ và ẩn sĩ trong các bối cảnh tu khổ hạnh
từ bỏ việc tiêu thụ thịt, họ quan niệm ăn chay là rèn luyện cho bản thân cách
chống lại những ham muốn xác thịt và tỏ lòng sám hối tội lỗi đối với Thiên
Chúa. Thế kỷ 16, Leonardo da Vinci và Pierre Gassendi cổ xúy việc ăn chay vì lý
do đạo đức, tránh giết hại động vật. Và đối với người ăn chay thuộc Kitô giáo
hiện đại, trong số đó là Ellen G. White, đồng sáng lập của Giáo hội Cơ Đốc Phục
Lâm, lý do ăn chay là thuộc về thiên đường cho nên giáo lý của Cơ Đốc Phục Lâm
khuyến khích việc ăn chay.
Trong Kitô giáo Tây phương, Mùa Chay là thời gian bốn
mươi ngày trước Lễ Phục Sinh kéo dài từ ngày Thứ tư Lễ Tro đến Thứ bảy Tuần
Thánh, bốn mươi ngày trong Mùa Chay được đánh dấu bởi việc ăn kiêng, làm từ thiện
và hạn chế những thú vui.
Thời cận đại, theo quy định của Công giáo Rôma đề
cao tinh thần của việc ăn chay thì ngày Thứ tư Lễ Tro, ngày Thứ sáu Tuần Thánh
và tất cả các ngày thứ sáu trong tuần buộc các tín đồ từ 14 đến 60 tuổi phải giữ
chay và kiêng thịt. Nhưng ngày nay, luật này được nới lỏng và chỉ buộc giữ chay
- kiêng thịt vào Thứ tư Lễ Tro và Thứ sáu Tuần Thánh, những ngày khác tín hữu
được khuyến khích ăn ít đi (ăn kiêng, nhịn ăn). Đôi khi, ăn ít hơn hoặc ăn đạm
bạc hơn bình thường cũng được cho là một hình thức ăn chay, ăn kiêng.
Các tín đồ trong Ấn Độ giáo ban đầu vẫn ăn thịt (bao
gồm cả thịt bò) với những điều kiện nhất định. Trong bộ luật Manu (Manusmṛti)
cho phép ăn thịt, cá và xác định các điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, dần dần những
luật lệ được đặt ra và nghiêm khắc áp dụng hình thức ăn chay có sử dụng sữa.
Trong thời kỳ Ấn Độ còn là thuộc địa thì phần lớn những người thuộc giai cấp
thượng lưu mới giữ giới luật này, còn những người nghèo và thuộc giai cấp hạ đẳng
thì họ ăn tất cả những gì mà họ có được.
Quán ăn nhanh bán toàn món chay gần Kullu, Ấn Độ.
Hầu hết các tông phái chính của Ấn Độ giáo như Yoga
và Vaishnavas (các tín đồ thờ thần Vishnu) giữ kiên định trong vấn đề ăn chay.
Có 3 nguyên nhân chính cho việc này, đó là: nguyên tắc đạo đức không hành hạ
súc vật (ahimsa); mục đích chỉ dâng cúng cho một vị thần những thức ăn
"tinh khiết" (món chay) và sau đó nhận lại nó dưới dạng món prasad (một
loại thực phẩm giống như kẹo); và niềm tin xác tín rằng những thức ăn mặn có thể
ảnh hưởng đến tâm thức và việc khai sáng tâm linh. Các tín đồ Ấn Độ giáo thường
kiêng trứng nhưng họ vẫn dùng sữa và các chế phẩm từ sữa, do đó họ là những người
ăn chay theo chế độ có dùng sữa (lacto).
Tuy nhiên, thói quen ăn uống của các cộng đồng theo Ấn
Độ giáo vẫn có sự khác nhau. Trong quá khứ cũng như hiện tại, vẫn có một số
nhóm tín đồ ăn thịt, với điều kiện thịt đó phải được giết mổ theo cách thức
Jhatka, tức là động vật bị giết bởi một nhát dao hoặc rìu duy nhất chặt đứt đầu,
khác với những thịt giết mổ thông thường theo phương thức thọc tiết và chết từ
từ.
Ở Ấn Độ có 43% trong tổng số tín đồ Ấn Độ giáo ăn
chay và 28% trong tổng số những người ngoại đạo cũng ăn chay.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét