Đạo Phật lịch sử lấy Tứ Diệu đế làm nền tảng?
Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017
ĐẠO PHẬT LỊCH SỬ
LẤY TỨ DIỆU ĐẾ LÀM NỀN TẢNG
Những người phật tử
chân chính đến để mong được tụng một thời kinh cầu an đầu năm, chờ mãi không được,
đành ngao ngán quay trở về. Có người thì lập luận rằng cúng sao giải hạn nó chẳng
có gì xấu, cần phải cúng sao giải hạn mới thu hút được mọi người đến chùa, nếu
không thì không có người tới. Ý kiến này chỉ đúng khi mà ngôi chùa đó chẳng bao
giờ thuyết pháp, sống dựa vào những tập tục tín ngưỡng dân gian nên trong chùa
thờ phượng đa sắc thái, không truyền tải được tinh thần đạo Phật chân chính đến
với tất cả mọi người.
Phật tử Chơn Từ Bi hỏi:
Con nghe nói đạo Phật là chánh tín nhân quả, lấy tứ diệu đế làm nền tảng là
minh triết đạo Phật? Tại sao bây giờ con thấy trong các chùa, kể cả chùa Ban trị
sự Phật giáo tỉnh và các huyện vẫn cúng sao giải hạn một cách công khai trong
những ngày đầu năm và hàng tháng? Như vậy có trái với lời Phật dạy hay không?
Thầy trả lời: Câu hỏi
này rất khó trả lời, vì phải đụng chạm đến chư tôn đức có thẩm quyền trong Giáo
hội. Trước tiên, chúng con, chúng tôi xin thành thật xin lỗi chư tôn đức chân
chính. Đạo Phật chủ trương lấy nhân quả làm nền tảng của sự sống để phản ánh mọi
lẽ thật hư trong cuộc đời này bằng ánh sáng trí tuệ, nhằm thấu suốt nguyên lý
thế gian. Mọi lẽ thật giả đều hiện bày sau khi có sự chiêm nghiệm và suy xét bởi
ánh sáng giác ngộ, nhận thấy lẽ thật rồi mới khởi lòng tin, đó là "chánh
tín". Ngược lại, tin mà không hiểu rõ cội nguồn của mọi lý lẽ là tin càn
tin bướng, người tin như thế "gọi là mê tín". Chính vì thế người học
đạo cần phải có lòng tin, song lòng tin ấy đã trải nghiệm qua sự quán chiếu,
suy xét và có chọn lọc kỹ càng.
- Nhân quả là gì? Nhân
là nguyên nhân; quả là kết quả; nhân quả là mối quan hệ mật thiết do nhiều yếu
tố kết hợp mà đưa đến kết quả tương xứng. Thí dụ: Hạt bắp thì sẽ trồng lên cây
bắp chứ không thể ra cây xoài.
- Chúng ta hãy cùng
nhau tìm hiểu về mối quan hệ của nhân quả? Nhân và quả có mối quan hệ mật thiết
không thể tách rời nhau theo nguyên lý duyên sinh, cái này có thì cái kia có,
cái này không thì cái kia không. Trong nhân có quả và trong quả có nhân. Nếu
chúng ta hiểu theo ý nghĩa thông thường và cố định thì nhân nào sẽ cho ra quả nấy
không thể thay đổi được.
Thí dụ: Ta nhìn vào hạt
mít thì biết nó hàm chứa quả mít trong tương lai. Ngược lại, nhìn quả mít ta biết
trước kia nó xuất phát từ nhân là hạt mít. Cũng tương tự như thế, nhìn vào một
người đang làm việc siêng năng, sống đời đạo đức vị tha, ta sẽ đoán biết kết quả
trong tương lai là "sống an lạc, hạnh phúc". Hoặc nhìn vào một người
khác, thấy họ nghèo khổ thiếu thốn khó khăn, thì ta có thể đoán biết nhân duyên
trước kia là gây tạo nhiều tội lỗi.
-Vậy quá trình từ nhân
đến quả diễn biến như thế nào? Từ nhân đến quả không có một thời gian nhất định,
có thể chậm, có thể nhanh, tùy theo sự kết hợp của các duyên mà cho ra kết quả
tốt hay xấu.
Nhân quả rất đa dạng và
phức tạp, tùy theo những nguyên nhân và các yếu tố phụ tác động vào mà có sự
thay đổi về thời gian. Thí dụ, cây mít trồng đúng bốn năm thì có quả, nhưng do
người chủ siêng năng chăm sóc đúng quy trình biết kết hợp theo thời tiết nóng lạnh
mà thường xuyên bón phân, tưới nước, làm cỏ, nên 3 năm cây mít đã trổ quả trước
kỳ hạn. Chính các duyên này tác động mạnh mẽ đã làm thay đổi thời gian của chu
kỳ nhân quả, khiến cây mít có trái sớm hơn dự tính ban đầu.
Cũng tương tự như thế,
một người làm ác nhưng chưa kịp trả quả xấu thì họ đã gặp các bậc thiện hữu tri
thức giúp họ hồi tâm hướng thiện, khiến nhân quả xấu không có cơ hội trổ quả
ngay nơi kiếp hiện tại. Những người thầy đạo đức đó đã tác động mạnh mẽ vào quá
trình thay đổi nhân quả của họ.
- Chúng ta có thể dựa
vào yếu tố thời gian mà chia nhân quả ra làm mấy loại? Ta có tạm thời thể chia
làm 3 loại nhân quả:
1. Nhân quả hiện báo
hay còn gọi là nhân nào quả nấy, khi tạo nhân sẽ có kết quả ngay trong đời này.
Có loại nhân quả gần, tất là khi ta làm điều gì thì có kết quả liền trong hiện
tại, không phải chờ đợi lâu xa. Thí dụ, như trồng dưa được dưa, trồng đậu được
đậu hay còn gọi là nhân nào quả nấy. Trường hợp thứ hai như khi ta đang đói bụng,
ta ăn cơm vào thì liền là no hoặc ta đánh trống thì nghe được âm thanh của trống
ngay tức khắc. Ta gọi là nhân quả hiện
tiền hay nói ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão.
2. Nhân quả sinh báo:
khi tạo nhân trong đời này, sẽ có quả trong đời sau. Có những nhân, nếu ta gieo
trong hiện tại có khi ta phải trả quả trong một thời gian ngắn từ năm ba tháng
cho đến vài năm mới cho ra kết quả.
3. Nhân quả hậu báo:
khi tạo nhân trong đời này, đến nhiều đời sau mới cho ra kết quả. Còn có những
nhân ta gieo tạo thì phải trải qua một đời, hai đời hoặc vô số kiếp về sau thì
quả mới trổ ra. Và có điểm đặc biệt là khi chúng ta gieo nhân mà không có kết
quả do thiếu những duyên phụ hoặc ta tu hành quá tinh tấn nên nhân xấu không đủ
sức trổ quả.
Như trường hợp trong một
lúc ta cùng gieo ba thứ hạt giống cây lúa, cây chuối, cây mít đồng thời ta chăm
sóc kỹ càng nhưng kết quả cho ra không cùng một thời gian. Cây lúa khi gieo xuống
thì từ ba tháng cho đến sáu tháng có kết quả, cây chuối phải từ chín tháng đến
một năm, còn cây mít ít nhất phải từ hai năm trở lên, đó là nhân quả thuận chiều
theo nhân duyên. Nhưng có những nhân mà ta đã gieo lại không có kết quả, nửa chừng
cây bị chết hoặc bị trường hợp rủi ro khác.
Nhân quả rất đa dạng và
phức tạp, chúng ta là những phàm phu mắt thịt, không thể nào nhìn thấy hết tất
cả tiến trình chi phối và diễn biến của luật nhân quả.
Điều này thực tế trong
cuộc sống, tuy có nhiều người làm việc thiện mà cuộc đời vẫn gặp bất hạnh khổ
đau, bởi quả thiện lành tốt đẹp của kiếp này chưa đủ duyên để kết thành quả
trong hiện tại, mà họ đang phải nhận chịu quả xấu của kiếp trước còn xót lại.
Sau khi trả hết quả xấu đó, ta sẽ nhận quả thiện mà sống vui vẻ hạnh phúc.
Mê tín là lòng tin mù
quáng không thấy đúng lẽ thật, không thấy đúng chân lý vì mê muội. Như tin ông
đồng bà cốt, tin xin xăm bói quẻ, tin ngày lành tháng dữ, tin số mạng sang hèn,
tin coi tay xem tướng, tin cúng sao giải hạn, tin có một người ban phước giáng
họa v.v... Những lối tin này không có logic, không đủ bằng chứng, không có lợi
ích, nên gọi là mê tín, vì đi ngược lại với giáo lý nhân quả. Mê tín có hai loại:
1. Mê tín do tâm mong cầu
quá đáng:
Con người khi mong cầu
một điều gì mà quá khả năng mình thì dễ sinh mê tín. Ví như có một người muốn
vay một số vốn lớn làm ăn, không biết việc làm ăn này sẽ đạt được kết quả tốt
hay xấu. Tự nhiên lòng họ thấy băn khoăn lo lắng không biết hỏi ai, tin ai.
Nghe nói có một ông thầy nào đó biết được quá khứ vị lai đoán trúng được vận mệnh
của mọi người, họ liền tìm đến để cầu cho được. Chỉ tốn tiền quẻ có năm bảy
trăm hoặc vài ba triệu, biết việc làm của mình thành công hay thất bại thì ai
mà không ham. Chính vì lòng tham và sự mong cầu quá đáng mà dẫn con người ta đến
mê tín dị đoan.
2. Mê tín do tâm lo lắng
sợ hãi:
Con người ta hay lo lắng
sợ hãi, suy nghĩ vu vơ là gốc sinh ra mọi điều mê tín. Có những người bị tai nạn
dồn dập, vừa té xe bị thương lại bị người giựt nợ, con trai thi rớt, con gái bị
bệnh... mất bình tĩnh, nghe đồn ông thầy đó coi tay xem tướng rất giỏi và có thể
trừ được tà ma yêu tinh quỷ mị. Hoặc có người sợ vận xui hạn xấu, nên đầu năm đến
chùa cúng sao giải hạn, cầu cho tròn năm cuộc sống được hanh thông, gia đình được
an vui may mắn. Hoặc có người vì thương cha mẹ đã quá cố, sợ cha mẹ chết rơi
vào địa ngục chịu đói khổ nhọc nhằn, họ bèn nhờ thầy cúng dán lầu kho, xe cộ,
giấy tiền vàng bạc, lễ cúng đốt xuống cho cha mẹ được an hưởng nơi âm ty... Mọi
sợ hãi đều bắt đầu từ sự mê tín.
Đã làm người ai cũng có
thể ước mơ hay mong cầu một điều gì đó, rồi tình trạng lo lắng sợ hãi, trong bầu
vũ trụ bao la này với thiên nhiên huyền bí, chính vì chưa thấu rõ hết nguyên lý
nhân duyên quả nên con người dễ dàng rơi vào mê tín dị đoan. Dù là người học
cao hiểu rộng nhưng trong tâm vẫn có niệm mong cầu và sợ hãi hoặc quá tham lam,
họ sẽ bị mê tín dị đoan chi phối.
Sao gọi là mê tín?
Mê tín là lối tin mù
quáng khiến con người mất hết khả năng suy đoán và phán xét của mình. Một số
người chủ trương mê tín làm mê hoặc thế gian, để hưởng lợi cho riêng mình. Một
cuộc sống ấm no và bền vững bởi con người văn minh, một dân tộc có hiểu biểu
chân chính vì đã thông suốt mọi lý lẽ, không cho phép sự mê tín len lỏi trong
dân tộc mình.
Tập tục cúng sao giải hạn
là văn hóa Trung Quốc
Ngày hôm nay trên đà tiến
bộ của khoa học hiện đại giúp cho con người nhận ra lẽ chân thực của cuộc đời,
cho nên những tập tục cúng sao giải hạn trong các chùa chiền cần phải nên chấm
dứt. Chúng ta quá lạc hậu và lỗi thời, sao là những hành tinh cách xa chúng ta
bao nhiêu ngàn cây số.
Tập tục cúng sao giải hạn
có nguồn gốc từ Lão giáo Trung Hoa không phải của đạo Phật. Có những tập tục
đem lại lợi ích thiết thực giúp ích cho con người và cũng có những tập tục làm
cho con người mất hết năng lực làm chủ bản thân. Tập tục cúng sao giải hạn vào
những ngày đầu năm tuy có nguồn gốc từ Lão giáo, nhưng ngày hôm nay hầu hết các
chùa chiền đều lấy đó làm nghi lễ quan trọng trong đầu năm.
Mong muốn có một năm mới
tốt đẹp, bình an hạnh phúc là những điều ước nguyện thông thường của một con
người đối với gia đình người thân và xã hội. Tập tục cúng sao giải hạn, đầu năm
cũng như là một phương tiện dẫn dụ con người đến với đạo Phật nhanh nhất, nhưng
khi họ đến với chánh pháp rồi thì những người hướng dẫn phải chỉ dạy về chánh
tín nhân quả.
Có nhiều người đi cúng
sao giải hạn đầu năm đã in trên tay hàng xấp giấy ghi rõ tên tuổi để đến mỗi
chùa sẽ tìm cách dán trên chiếc chuông, chiếc trống. Nhà chùa không cho dán bên
ngoài, thì dán bên trong chuông vậy. Vì làm sao mà chiếc chuông có thể giải được
cái hạn mà nó đã chín mùi, quả xấu nó đã trổ.
Ngày mùng 8 tháng Giêng
âm lịch, hàng vạn người đội sớ trên đầu để xin mong được bình an, mong những điều
xấu không đến với bản thân và gia đình. Có chùa chỉ để ngồi đọc các tên và tuổi
những người có sao xấu mà cũng không hết, các thầy phải thay nhau đọc, đọc đến
khản cả cổ mà danh sách hãy còn hàng xấp.
Những người phật tử
chân chính đến để mong được tụng một thời kinh cầu an đầu năm, chờ mãi không được,
đành ngao ngán quay trở về. Có người thì lập luận rằng cúng sao giải hạn nó chẳng
có gì xấu, cần phải cúng sao giải hạn mới thu hút được mọi người đến chùa, nếu
không thì không có người tới. Ý kiến này chỉ đúng khi mà ngôi chùa đó chẳng bao
giờ thuyết pháp, sống dựa vào những tập tục tín ngưỡng dân gian nên trong chùa
thờ phượng đa sắc thái, không truyền tải được tinh thần đạo Phật chân chính đến
với tất cả mọi người.
Như chúng ta đã biết, tất
cả mọi người học Phật ai cũng hiểu giáo lý nhà Phật đều dựa trên nền tảng của
nhân quả, nói cho đủ là nhân duyên quả. Nhân là nguyên nhân, là hạt giống, quả
là kết quả do gieo nhân mà được và nhờ duyên
thời tiết, chăm sóc, kỹ thuật..., cho nên một đời sống của một cá nhân
hay cộng đồng đều do nhân quả mà ra. Chính vì vậy khi một người gieo nhân dù tốt
hay xấu thì nhất định người đó phải nhận lấy kết quả tốt hoặc xấu mà mình đã
gieo, chỉ sớm hay muộn mà thôi. Nếu muốn hóa giải nghiệp xấu ác, thì chúng ta
phải nỗ lực tu tập, trì chay, giữ giới, làm nhiều việc thiện ích.
Ví dụ: Như chúng ta lỡ
gieo tạo nhân sát sinh hại vật, thì ta sẽ biết chắc hậu quả của nó trong nay
mai là bệnh tật truyền miên hoặc chết yểu, hay thường gặp những tai nạn bất ngờ.
Khi biết được thế, chúng ta quyết tâm nỗ lực sám hối, bố thí cúng dường, phóng
sinh… thì quả có thể sẽ trổ theo hướng khác nhẹ hơn, hoặc bị triệt tiêu. Nên
trong đời sống hằng ngày, chúng ta thọ nhận những việc tốt xấu là đều do chúng
ta tạo nhân cả, nên khi quả tốt đến thì chúng ta vui vẻ hạnh phúc và ngược lại
quả xấu đến chúng ta đành phải chấp nhận để tìm cách hóa giải nó.
Tập tục cúng sao giải hạn
là đi ngược lại lời Phật dạy trong các kinh điển, nhưng tại sao tập tục này vẫn
còn tồn tại ở các chùa chiền. Một giả định khác, nhiều người cứ đinh ninh rằng
nếu đem tiền vào chùa cúng sao, giải hạn thì tật bệnh sẽ được tiêu trừ và tai
qua nạn khỏi. Chính đức Phật cũng từng khẳng định: “Ta không có khả năng ban
phước hay giáng họa cho bất kỳ ai, ta chỉ là người thầy dẫn đường, còn làm được
việc tốt hay xấu là do tất cả mọi người”.
Nếu ai cũng tin sâu
nhân quả hết thì mọi việc nên hư tốt xấu, thành công thất bại đều do con người
tạo ra. Chúng ta cứ tạo nhân tốt thật đầy đủ thì quả tốt nhất định sẽ đến.
Không phải chúng ta cầu xin mà nó đến, không phải chúng ta xua đuổi mà nó đi, một
khi nhân đã thành thì quả phải chịu. Song nhân quả không phải đơn thuần mà đa dạng
và phức tạp, chẳng phải chỉ do trực tiếp ở đời hiện tại mà lại gián tiếp của
nhiều đời. Chỉ khi nào chúng ta tạo nhiều nhân lành, khi quả xấu đến sẽ nhẹ đi
hay giảm bớt đôi phần.
Tập tục đốt giấy tiền
vàng mã
Trong đạo Phật không có
kinh điển nào dạy đốt giấy tiền vàng mã để cúng người quá cố hoặc rải giấy tiền
vàng bạc khi đưa tiễn người mất về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng từ lâu việc đốt
vàng mã trong phật tử nói riêng và những người có tín ngưỡng dân gian sâu đậm vẫn
tiếp tục duy trì tập tục này.
Chúng ta cần phải nói
rõ tập tục đốt giấy tiền vàng mã, theo quan điểm của đạo Phật, thì đây là một
việc làm lãng phí tốn kém, không có tác dụng lợi ích thiết thực. Thay vì, bỏ tiền
ra mua đốt giấy tiền vàng mã, thì tại sao chúng ta không làm những việc khác có
lợi ích cụ thể thiết thực hơn, như là bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia cho những
mảnh đời bất hạnh.
Theo chỗ chúng tôi được
biết, đây là một tập tục có từ lâu đời trong dân gian, do ảnh hưởng văn hóa có
từ thời cổ đại trong xã hội Trung Hoa. Ngày xưa người ta quan niệm rằng cõi này
là cõi tạm, cõi âm mới là cõi lâu dài nên khi chết phải chôn theo tài sản và của
cải. Những gì mà người ta lúc còn sống tiêu xài như thế nào, thì khi chết cũng
cần có nhu cầu như thế đó. Do tin tưởng một cách cuồng tín như vậy, nên sau khi
chết đi, thân nhân của người chết họ chôn theo những vật dụng cần thiết kể cả
tiền bạc để cho người chết tiêu xài. Đây là sự biểu lộ mối thâm tình sâu đậm của
con người đối với gia đình người thân và có công trạng giúp ích cho đất nước.
Về sau này con người ta
có sự tính toán và cân nhắc lại việc chôn theo các đồ vật dụng và tiền bạc, thật
là quá lãng phí. Do đó, tập tục làm đồ giả chôn theo người chết được hình thành
qua sự tính toán một số nhà kinh doanh sống trên sự mê tín của nhiều người
khác. Họ truyết lý rằng nếu không làm vậy sẽ bị thần linh quở phạt.
Chính trên thế gian
này, đồng tiền của nước này mang sang nước khác còn khó được chấp nhận, huống
là nhân gian in, xuống âm phủ xài, có lý lẽ gì tin được. Những chiếc lầu bằng
giấy, quần áo bằng giấy, làm xong đốt gửi xuống âm phủ cho thân nhân dùng, quả
là việc làm lãng phí, tốn kém vô ích.
Đối với những phật tử
vì chưa thông hiểu giáo lý Phật dạy và chưa có một niềm tin nhân quả thấu đáo
sáng suốt, nên có đôi khi cũng hay đốt giấy tiền vàng mã cho người chết. Thay
vì bỏ tiền ra mua đốt giấy tiền vàng mã, thì tại sao chúng ta không làm những
việc khác có lợi ích cụ thể thiết thực hơn bằng cách bố thí cúng dường, giúp đỡ
những mảnh đời bất hạnh như bệnh hoạn, tàn tật, nghèo đói v.v…
Rồi chúng ta đem những
việc làm này, hồi hướng cho những hương linh người chết! Đây mới là việc làm
chánh tín nhân quả “âm dương lưỡng lợi”, đúng theo quan điểm từ bi và trí tuệ của
đạo Phật cho người sống và kẻ mất. Là người phật tử chân chính, chúng ta nên
nghe theo lời Phật dạy mà tránh những việc làm mê tín vô ích, có tính cách làm
tổn hại cho mình và người mà thôi.
Tập tục đồng cốt
Đồng cốt là hiện tượng
mê hoặc khủng khiếp, hiện tượng ông lên bà xuống này đều là những người sống
trong trạng thái bất bình thường, tâm hay mong cầu quá đáng. Những người này
không làm chủ được bản thân, họ bị sai sử bởi một ma lực huyền bí nào đó. Khi
những ma lực ấy dựa vào họ, liền lạm dụng các danh hiệu xưa mà người đời hay
tôn sùng gọi là bậc thánh, để lừa bịp người nhẹ dạ cả tin.
Phật dạy không khi nào
các bậc Thánh phải gá vào thân kẻ phàm tục khác để làm việc giáo hóa chúng
sinh. Vì các ngài khi tu chứng có đầy đủ thần thông biến hóa vô ngại. Như thế,
những ma lực tựa vào đồng cốt đều là do những loài yêu tinh ma mị của quỉ thần
gá vào. Chúng vì sợ người đời không tin, nên mạo xưng những danh hiệu như Tề
thiên đại thánh hoặc hoặc bà Quan Âm chẳng hạn, để tạo uy tín. Chúng ta là người
phật tử chân chính biết rõ tính cách ma mị của đồng cốt, nên cần phải tránh xa.
Tập tục coi tay, xem tướng
Coi tay, xem tướng cũng
có khi trúng, khi trật vì còn tùy thuộc nghiệp báo phước đức của người đó,
chính vì vậy ông thầy luôn nói câu thòng: "Tay hay tướng của ông có biểu
hiện điều xấu, có thể đến tháng đó sẽ bị mắc nạn, nếu ông ngay bây giờ biết tu
tâm sửa tính, làm lành lánh dữ thì mọi tai nạn có thể qua khỏi". Nếu đến
tháng đó, người ấy mắc nạn thì khen ông thầy xem trúng quá, bằng không mắc nạn
thì ông thầy nói do mình biết tích phước làm lành!
Như thế, đứng về mặt
nhân quả tốt xấu ông thầy cũng đoán trúng hết. Nhưng chúng ta thử suy nghĩ lại
xem, nếu coi tay xem đoán vận mạng tốn một số tiền, đến khi mắc nạn chúng ta
cũng phải tự chịu, mà lại mắc bệnh thêm lo nữa. Ngược lại nếu mình tai qua nạn khỏi
là do mình có phước nên chuyển hóa được nghiệp xấu, ông thầy đâu giúp gì cho
mình. Như vậy chúng ta đi coi bói làm chi cho uổng tiền mà mắc bệnh thêm lo ra
và bất an sợ hãi vì cứ nhớ nghĩ đến nó hoài.
Nếu chúng ta đã tin sâu
nhân quả, tin mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc thì ta chỉ cần phát
tâm làm việc tốt có lợi ích cho mình và người thì điều tốt sẽ đến. Người quá
tham lam hay mong cầu những điều thiện lành đến với mình, thì ta chỉ việc gieo
nhân quả tốt, còn quả đến sớm hay muộn là do duyên phụ thuộc. Thế mà, chúng ta
không ứng dụng ngay cội gốc, lại chạy theo ngọn ngành, hao phí tiền bạc một
cách vô ích, đó gọi là mê tín.
Tập tục xin xăm, bói quẻ
Xin xăm bói quẻ là một
việc làm cầu may do lòng tham lam của con người. Vận mạng chúng ta chỉ ứng quẻ
trong 100 cây xăm do người đời đặt ra có tốt xấu may rủi. Chúng ta phó thác vận
mạng của mình, vào chỗ không có duyên cớ, không có lẽ thật rồi tin vào đó, tiền
mất mà lại thêm lo. Thánh, Thần nào có rảnh đâu mà ngồi sẵn nơi đó để ứng hiện
phán xét trong quẻ xăm cho quí vị.
Con người gặp lúc phước
đến thì lắc quẻ nào ra cũng đều tốt hết, nếu thật sự gặp họa thì lại rút nhằm
lá xăm xấu. Chính chúng ta là chủ nhân ông của bao điều họa phúc, mình làm lành
được phước, mình làm ác gặp họa khổ đau. Thế là tốt xấu do mình, không phải tại
xăm quẻ mà có tốt xấu. Chúng ta cứ tu tâm dưỡng tính, thận trọng từng ý nghĩ
cho đến lời nói để khi làm việc gì cũng không tổn hại cho ai. Như vậy chúng ta
đi xin xăm bói quẻ để làm gì? Xin xăm bói quẻ khiến chúng ta thêm bất an, lo lắng
sợ hãi khi gặp quẻ xấu và ta sẽ ỷ lại khi gặp quẻ tốt. Chúng ta làm một việc gì
không lợi ích, lại hao tốn tiền của, mà lại mang lo vào lòng, vậy không phải mê
tín là gì?
Ứng dụng chánh tín nhân
quả để phá trừ mê tín
Tất cả mọi hiện tượng sự
vật trong bầu vũ trụ bao la này, không một vật nào thoát ngoài nhân quả mà được
hình thành. Khi cái này có thì cái kia có, khi cái này không thì cái kia không.
Nhân quả, quả nhân xoay vần không dứt. Thấy rõ lý nhân quả, chúng ta chuyển xấu
thành tốt, chuyển dở thành hay, chuyển họa thành phúc, chuyển mê thành ngộ. Thấu
rõ lý nhân quả, chúng ta sẽ biết cách làm chủ bản thân mà sống yêu thương bằng
trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã, vị tha. Chúng ta tin sâu và ứng dụng lý
nhân quả vào trong đời sống hằng ngày thì việc gì cũng sẽ tốt đẹp.
Đứng về mặt không gian,
vạn vật trong vũ trụ đều do nhân duyên hợp thành. Không một vật nào do một đơn
vị làm nên, mà phải nhiều đơn vị hợp lại mới thành hình. Chính thế, lý nhân
duyên quả thích ứng với tinh thần phân tích của khoa học hiện nay. Nếu sự vật
do một đơn vị làm nên thì còn gì phân tích. Bởi nhiều đơn vị hợp thành một vật
thể, người ta mới phân tích chia ra nhiều đơn vị, nhiều loại. Nhỏ nhất như một
nguyên tử, người ta phân tích trong đó vẫn có nhiều phần hợp thành, huống là những
vật thể to tát.
Đạo Phật là đạo của
giác ngộ, là đạo của từ bi và trí tuệ, cho nên lấy nhân duyên, nhân quả làm nền
tảng. Nếu chúng ta thấy trong chùa chiền hiện nay còn những hiện tượng mê tín,
đây chính là những oan tình của đạo Phật, chẳng qua một số người vì thiếu hiểu
biết, vì chạy theo tín ngưỡng tập tục của thế gian mà làm ảnh hưởng đến Phật
pháp chân chính.
Do đó, chúng ta thấy rõ
lý nhân duyên quả nhà Phật nói, là một lẽ thật, đúng với tinh thần khoa học hiện
thời. Hiểu được lý nhân duyên quả, chúng ta thấy rõ muôn vật trên thế gian có sự
liên quan chằng chịt với nhau. Chúng ta không thể tách một cá thể đứng ngoài tập
thể, một cá nhân đứng ngoài nhân loại. Đây là lý do khiến dẹp được quan niệm cá
nhân ích kỷ. Chúng ta tích cực xây dựng nên hạnh phúc chung cho nhân loại,
không riêng của một cá nhân. Chúng ta tin lý nhân duyên quả là tin bằng trí tuệ,
là thấy biết đúng như thật, cho nên gọi là chánh tín.
Thế mà hiện nay có nhiều
tăng sĩ trụ trì, khi nghe phật tử than làm ăn sa sút, liền bảo đến chùa thầy cầu
phúc cho; nghe con cháu phật tử sắp thi cử, bảo ghi tên để thầy cầu nguyện cho;
nghe phật tử than gia đình xảy ra tai nạn, bảo đến chùa thầy cúng sao giải hạn
cho... Đó là chúng ta đang truyền đèn nối đuốc Như Lai hay làm lu mờ chánh
pháp? Chúng ta là những người hướng dẫn, kế thừa sự nghiệp của Như Lai. Bước đầu
vì phương tiện thiện xảo để giúp người đến với Phật pháp, sau đó chúng ta phải
lấy lời Phật dạy chân chính là nền tảng nhân quả hướng dẫn cho quý phật tử. Làm
được như vậy chúng ta mới xứng đáng là con nhà Thích tử truyền trao mạng mạch của
Như Lai để mọi người thấm nhuần Phật pháp.
Như chúng ta đã biết,
nghề tử vi bói toán là một khoa giải đoán tương lai về vận mạng của một con người
qua tình duyên, học hành thi cử và chọn phong thủy nhà cửa thích hợp, bao gồm
các việc chọn ngày giờ tốt để khai trương, cưới hỏi, tang ma cúng sao giải hạn
xấu, dựa theo ngày tháng năm sinh tuổi tác.
Có nhiều hình thức bói
toán, nhưng có bốn loại phổ thông đối với người Việt Nam chúng ta. Đó là bói
bài, xem lá số tử vi hay bói ngày tháng năm sinh tuổi tác, xem chỉ tay coi tướng
và lên đồng nhập cốt. Bói bài là dựa vào việc giải đoán những dấu hiệu cũng do
con người vẽ ra nơi những con bài cho nên chỉ phỏng đoán chung chung, không có
cơ sở chính xác.
Việc coi lá số tử vi là
dựa trên sự tương tác của các ngôi sao vào lúc người đó chào đời, những ngôi
sao này mang một số đặc tính nhất định được biểu trưng qua sự sắp xếp của thần
linh, nhưng tất cả đều do con người đặt ra, do đó mức độ chính xác tối đa khoảng
70% là cùng. Còn việc xem chỉ tay coi tướng cũng do con người sắp đặt, chỉ tay
có thể thay đổi trong thời gian từ ba tháng đến sáu tháng; tướng trạng con người
cũng thay đổi theo thời gian tùy theo việc làm tốt xấu. Việc bói qua hình thức
lên đồng là có một vong linh người chết nào đó nhập vào, tự xưng mình là thánh thần này nọ, khuyên người
phải làm việc cúng bái quỷ thần, tạ lễ hoặc cần tìm một cái gì đó khi có sự mất
mát. Việc làm này có khi linh hiển có khi không.
Ngay cả việc coi ngày tốt
xấu cho việc khai trương, khánh thành, xây cất nhà cửa, coi ngày giờ tốt xấu
cũng không rõ ràng và chính xác, nên dễ dẫn đến những hậu quả tiêu cực làm cho
con người ta bất an và sợ hãi. Việc định ngày giờ tốt xấu ghi trên lịch sách
hoàn toàn không có cơ sở chân chính mà chỉ dựa theo tín ngưỡng dân gian do kinh
nghiệm của một số người. Vì mưu cầu lợi ích kinh doanh trong việc sinh sống,
các nhà làm lịch sách đặt thêm phần coi ngày giờ tốt xấu vào.
Họ tự đặt ra ngày này tốt
ngày kia xấu để áp đặt cho một số người nhẹ dạ cả tin, chấp nhận có một đấng thần
linh ban phước giáng họa. Ai theo truyền thống này chỉ tin tưởng và làm theo,
chứ không có quyền suy xét, tìm tòi lẽ đúng sai. Thật ra mọi việc tốt xấu là do
con người làm ra theo nguyên lý duyên sinh, mình làm lành được hưởng phước,
mình làm ác chịu khổ đau.
Trong cuộc sống vì mưu
cầu hạnh phúc, con người vì lòng tham muốn quá đáng nên luôn lo lắng cho vận mạng
của mình trong tương lai tốt xấu như thế nào, nên việc xem tử vi bói toán ngày
càng phổ biến. Người giàu nhiều của cải, có địa vị danh vọng nếu không hiểu biết
Phật pháp tin sâu nhân quả thì lại càng bói toán xem phong thủy nhiều hơn, mục
đích để làm sao không bị thất thoát. Kẻ nghèo vì muốn đổi đời nên hy vọng trong
bói toán để xem vận mạng mình có được tốt hay không, nhất là những ngày đầu năm
mới.
Nhiều người từ việc mua
nhà, đi xa, khai trương, dựng vợ, gả chồng, cho đến việc tang ma... nhất nhất đều
tìm đến những người coi bói toán để được sự hướng dẫn làm đúng theo ngày giờ tốt
xấu. Tử vi, bói toán, coi tay xem tướng, hiện tượng đồng cốt đang lan rộng ra
khắp cả ba miền Nam, Trung, Bắc nhiều người, nhiều giới và nhiều nơi đang bị sự
mê tín này chi phối quá lớn.
Người phương Tây không
cần coi ngày giờ tốt xấu khai trương cửa hàng, nhưng họ vẫn giàu có hơn các nước
có nhiều người mê tín. Họ không có thờ thần tài, thờ ông địa, nhưng họ vẫn làm
ăn buôn bán, phát triển công nghệ khoa học kỹ thuật cao, họ mau chống làm giàu
nhờ tích cực tự nguyện đóng góp lợi ích đất nước. Họ chỉ tính toán ngày giờ
theo dự án, theo kế hoạch làm việc, họ siêng năng cần mẫn làm theo khả năng
chuyên môn nghề nghiệp của mình một cách có ý thức.
Mê tín đem lại rất nhiều
tai hại không thể lường trước được. Nó có thể làm tổn thương thiệt hại nặng nề
về sự văn minh tiến bộ của con người, nó có thể làm tan nhà nát cửa, gia đình
ly tán con cái chia lìa và có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước.
Cho nên ca dao Việt Nam có câu:
Tay cầm tiền của bo bo
Đi coi thầy bói mang lo
vào người.
Người hay đi xem bói
toán tử vi, cúng sao giải hạn, xin xăm bói quẻ, coi ngày giờ tốt xấu là người
không tự tin chính mình, không tin sâu nhân quả không đủ khả năng làm chủ bản
thân bởi vì lòng tham muốn quá đáng và nỗi sợ hãi về mọi phương diện vật chất lẫn
tinh thần.
Tóm lại, mê tín là một
tệ nạn xã hội, nó làm cho con người ngày càng trở nên yếu hèn, mất tự tin chính
mình vì si mê, mờ mịt. Chúng ta là chủ của bao điều họa phúc, mình gieo nhân xấu
sẽ kết thành quả xấu, mình gieo nhân tốt sẽ kết thành quả tốt. Con người hay có
mâu thuẫn muốn cầu mong quả tốt mà không chịu gieo nhân tốt, sợ hãi quả xấu mà
không chịu dừng nghiệp xấu. Chúng ta muốn sống trong một xã hội văn minh lành mạnh
bền vững và lâu dài, mọi người cần phải tin sâu nhân quả, tin mình có đủ khả
năng làm chủ bản thân, mọi việc tốt xấu nên hư thành bại đều do ta tạo lấy.
Luật pháp thế gian còn
không chấp nhận tuyên truyền mê tín, nhưng sao đến giờ này nó vẫn tồn tại trong
các chùa chiền, miếu, phủ, đền một cách công khai. Phải chăng, có sự bao che
dung túng ở những người có trách nhiệm. Đây là một vấn nạn lớn đối với Phật
giáo Việt Nam hiện nay. Nhìn thấy nền văn hóa chùa đền miếu phủ là ta có thể biết
dân tộc Việt Nam đang tiến bộ hay lạc hậu?
Song nhân quả không phải
đơn thuần mà đa dạng và phức tạp, có nhân mình vừa gieo liền thọ quả, có nhân
phải chờ một thời gian, có nhân phải trải qua nhiều đời và có khi gieo nhân mà
không có kết quả vì không đủ duyên. Biết rõ nhân quả tốt xấu do mình tạo ra,
chúng ta can đảm nhận chịu và tìm cách chuyển hóa chúng mà không chút sợ hãi buồn
phiền. Mình làm chủ tạo nhân, chính mình làm chủ thọ quả, còn cầu khẩn van xin
đâu có lợi ích gì. Chúng ta tin chắc lý nhân quả như thế, thì mọi sự mê tín sẽ
không có chỗ để xen vào làm phá hủy chánh tín nhân quả.
Đức Phật Thích Ca Mâu
Ni là bậc thầy vĩ đại của nhân loại, người đã truyền bá thông điệp từ bi và trí
tuệ đến mọi người bằng con đường chuyển hóa thân tâm, giúp cho tha nhân biết
cách làm chủ bản thân mà không ỷ lại hay dựa dẫm vào người khác. Người đến và
đi trong an nhiên tự tại, giúp người thoát khỏi bóng tối vô minh để tìm đến ánh
sáng chân lý.
Hãy tự mình làm chủ bản
thân, hãy tự mình thắp lên với ngọn đuốc chánh pháp, hãy tự mình chuyển hóa
thân tâm, nếu chính mình vấp ngã thì chính mình đứng lên đó chính là thực tại
nhiệm mầu. Khổ đau là một sự thật của kiếp người, nguyên nhân dẫn đến đau khổ
do si mê tham ái chấp ta là thật. Còn đường chuyển hóa đó là bát chính đạo, tâm
trong sáng ngay nơi thân này mà chẳng phải tìm cầu đâu xa.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Nguồn PGVN
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét